BẠC XƯA được hình thành từ ý tưởng muốn lưu giữ và phát triển làng nghề truyền thống của những người con CHẠM BẠC ĐỒNG XÂM.
Làng Ðồng Xâm có tên cũ là làng Ðường Thâm, ngày nay thuộc xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Theo văn bia tại đền thờ tổ nghề chạm bạc, vào năm 1428, cụ Nguyễn Kim Lâu là người về đây truyền nghề cho dân làng.
Có thể khẳng định nghề chạm bạc là nghề công phu, tỉ mỉ, chính xác hoàn hảo, đòi hỏi trình độ tay nghề người thợ rất cao. Hàng chạm bạc Ðồng Xâm khác hẳn và nổi trội so với hàng bạc của các nơi khác ở các kiểu thức lạ về hình khối, dáng vẻ sản phẩm phong phú, đa dạng: đồ trang sức, đồ thờ cúng, hàng lưu niệm,... tinh vi ở thủ pháp xử lý sáng - tối nhờ tận dụng đặc tính phản quang của chất liệu vàng, bạc, đồng,..... Để hoàn thiện 1 sản phẩm thường có 10 công đoạn khác nhau trong đó có 3 công đoạn chính là trơn, đấu và chạm. Trơn có nghĩa là cắt xẻ nguyên liệu; đấu là hàn các chi tiết; chạm là kỹ thuật khó nhất, sản phẩm tinh xảo hay không là do chạm. Nét tinh hoa nhất của làng nghề Đồng Xâm là thúc nổi các họa tiết, hoa văn được làm bằng tay, rất sắc nét và tinh xảo.
Vào thời Nguyễn, chính các nghệ nhân Đồng Xâm vào tận cố đô Huế để chạm trổ cung đình, chế tác đồ trang sức cho triều đình. Cũng chính họ cùng các thợ bạc ở Châu Khê, Định Công lập ra phố Hàng Bạc ở Hà Nội ngày nay. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, thế hệ nối tiếp thế hệ, kỹ nghệ làng nghề Đồng Xâm không ngừng được hoàn thiện và phát triển, sản phẩm làng nghề Đồng Xâm không chỉ là một nét đặc trưng của nơi đây mà còn được công nhận là thương hiệu quốc gia.