“Thiên hạ thái bình, khánh vân sẽ hiện”
Văn “mây như ý” trong nhiều tài liệu gọi là “mây hình khánh”. “Mây hình khánh” - “khánh vân” là loại mây đem lại điềm lành. Thiên nhân cảm ứng luận cho rằng “thiên hạ thái bình, khánh vân sẽ hiện”.
Văn “mây như ý” trang trí trên những di vật thời Lý các thế kỷ XI – XIII có cấu trúc gồm 3 phần: đầu, thân và đuôi. Tiêu biểu là hình văn mây trang trí trên nắp hộp men lục phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long.
Văn “mây như ý” thời Trần (thế kỷ XIII - XIV). Những di vật thời Trần là loại hình chậu, thạp, thống gốm hoa nâu hay những bệ đá bài trí trong không gian của những ngôi chùa thờ Phật. Những di vật gốm hoa nâu, mặc dù không đề là đồ “ngự dụng”, nhưng những đặc trưng về phẩm cấp, hoa văn trang trí, có thể khẳng định chúng thuộc về tầng lớp quý tộc nhà Trần thậm chí nó là đồ “ngự dụng”.
Thời Lê sơ, văn mây như ý trang trí cùng với hình rồng, phượng trên những đồ ngự dụng đích thực đó là những chiếc bát, đĩa, bình gốm sứ men trắng, hoa lam phát hiện tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long cũng như khu di tích Lam Kinh.
Có thể khẳng định một cách chắc chắn là: văn “mây như ý” đều được trang trí trên những di vật có giá trị cao về phẩm cấp (là đồ ngự dụng), những di vật đặc biệt (tạo hình và kích thước lớn) hoặc những di vật khi trang trí loại hoa văn này đều được bài trí ở những không gian thiêng, trang trọng trong những công trình kiến trúc thuộc về tín ngưỡng, tôn giáo. Văn “mây như ý” cùng với nhiều tiêu chí khác như rồng, phượng, sóng nước, các chữ “Quan”, “Kính”, “Trường Lạc”, “Quan dạng/diêu” (Bùi Minh Trí, 2021: 6-34) là một trong nhiều tiêu chí khẳng định phẩm cấp cùng đối tượng thuộc tầng lớp hoàng gia sử dụng chúng.
Đánh giá nhận xét